Tổng hợp tất cả 12 đặc sản Long An (P1)

Tổng hợp tất cả 12 đặc sản Long An nổi tiếng và gây thương nhớ nhất được VietFlavour sưu tập sẽ giúp bạn nếu là khách phương xa được trải nghiệm hết các đặc sản của Long An. Còn nếu là người con Long An xa quê sẽ được trở về và tự hào với mảnh đất quê hương Long an.

Long An nằm ở giáp ranh giữa hai vùng miền Tây và Đông Nam Bộ. Vị trí địa lý đặc biệt này mang lại cho nơi đây nguồn sản vật vô cùng phong phú. Hãy cùng VietFlavour du ngoạn một lần nữa về Long An để xem nơi đây có những đặc sản nào nhé.

  1. Gạo nàng thơm Chợ Đào

Loại gạo có cái tên ngát hương này được gắn liền với tích về tình yêu chung thủy của nàng Thơm và chàng Lúa ở vùng đất Chợ Đào. Ở ngôi mộ của hai người hóa nên một thứ tiên hương mà đến mùa người ta gặt lấy thơm ngào ngạt. Chẳng biết hư thực ra sao quả thực thứ gạo này thơm ngon khó loại nào sánh bằng.
Gạo nàng thơm chợ Đào
Gạo nàng thơm Chợ Đào hạt dài thon, khi nấu dẻo thơm. Điểm đặc trưng là ở giữa hạt gạo có màu trắng đục như hạt lựu. Ngày xưa thứ gạo mỹ miều này nọ còn được dùng để tiến vua.
Vì là giống dài ngày nên phải chờ 6 tháng mới có được những hạt ngọc thơm ngát này. Gạo nàng thơm Chợ Đào còn quý bởi chỉ vùng đất này trồng được. Người ta kháo nhau vì lớn lên ở nơi có tình yêu chàng Lúa – nàng Thơm nên mới tỏa hương vậy ngon độc quyền như vậy.
  1. Bánh tét Long An

Ngày Tết ở miền Nam mà thiếu bánh tét cũng như miền Bắc thiếu bánh chưng. Hình ảnh đôi bánh tét thon dài được xếp ngay ngắn như một phần hương xuân ngày tết.
Ở xứ Long An vốn nhiều lúa gạo và nếp ngon nên không khó để mang đến cho đời những khoanh bánh tét hấp dẫn. Thông thường để bánh có màu xanh hấp dẫn người ta nhuộm màu bằng lá rau ngót, màu tím là lá cẩm, màu đỏ là gấc. Những đòn bánh tét Long An nhờ vậy mà mang màu sắc đẹp mắt nhưng an toàn vô cùng.
Tổng hợp tất cả đặc sản Long An: Bánh tét Long An - VietFlavour.com
Cũng có lúc dư dả bánh được gói với nếp than bóc ra tím lịm dẻo quánh. Một phần nữa vì nếp ở đây được xào với nước cốt dừa hoặc dừa nạo nên hạt nếp sau khi nấu béo khó tả. Người gói bánh cũng phải thật khéo léo để bó thật tròn và đều ở cả 2 đầu bánh.
Ngày nay, bánh tét Long An có thể mua quanh năm. Một cặp bánh tét Long An theo dấu chân người đi khắp nơi như cái hồn hậu, chất phắc của người miền Tây đang lan tỏa khắp mọi nơi đất nước.
  1. Dưa hấu Long Trì

Dưa hấu Long Trì xưa nay vẫn nổi tiếng là vỏ mỏng, ngọt thanh, ít hạt để lâu không bị khô và cát. Ngày Tết chọn một quả dưa tròn đẹp chưng bàn thờ thì có khi cả tuần cũng không hư. Thế nên dù dưa hấu được trồng ở nhiều nơi nhưng Long Trì vẫn là vùng đất được người ta nhớ tới khi muốn tìm một quả dưa ngon.
Những ruộng dưa ở Long Trì được trồng từ rất lâu và nổi tiếng khắp vùng không phải vì giống dưa quý hiếm. Thổ nhưỡng là thứ chính quyết định nên tên tuổi của giống dưa này. Long Trì có địa hình cao, đất chưa nhiều kali cùng khoáng chất nên cứ mang dưa hấu đến đây ươm mầm thì đảm bảo quả nào cũng ngọt mát.
Dưa hấu - Đặc sản VietFlavour.com
Dưa hấu Long Trì có da xanh đen, bóng ngời, trái nhỏ cũng tầm 2kg. Nên đôi lúc chỉ một trái thôi cũng đủ làm dịu mát cả gia đình. Ngày nay dưa hấu Long Trì được bày bán ở rất nhiều nơi. Tuy nhiên nếu độ tin cậy chưa cao bạn có thể về Long An ghé miệt Long Trì mua ngay một quả dưa ngon trứ danh này nhé
  1. Canh chua cá chốt

Khi cơn mưa đầu mùa kéo hạt nhúng chồi non ở xứ miệt vườn lại xanh mơn mởn. Đám rau sau hè như được thể lại bung lên tươi tốt hơn. Nhà ai mà có cây me thì lại được dịp mát mắt vì nõn xanh của lá me non. Sẵn mớ cá chốt mới bắt được đem nấu canh chua lá me thì thiệt ngon không sao tả nổi.
Cá chốt lớn có thể nặng đến 1kg nhưng bây giờ hiếm dần nên một chỉ độ tầm 2 3 ngón tay là cùng. Tuy bé nhỏ nhưng thịt cá rất thơm dai. Nồi canh chua cá chốt cũng đơn giản lắm chỉ ngắt vội mớ lá me non, vài trái đậu bắp, cà chua rồi thêm mớ rau thơm nữa là đủ ngon tuyệt.
Tổng hợp tất cả đặc sản Long An: Canh chua cá chốt - VietFlavour.com
Nồi canh chua cá chốt càng ngon hơn khi có những con cá vào mùa sinh sản. Thứ trứng cá béo bùi chấm vào chén muối ớt mới giã hay chén nước mắm sống thêm vài lát ớt là người cứ nghiền ngẫm không muốn buông đũa.
Canh chua cá chốt là vậy, tuy nhìn đơn giản nhưng cứ thử nếm một lần sẽ nhớ mãi không quên.
  1. Lạp xưởng tươi

Vốn giỏi giang cần cù trong lao động nên những đôi tay của người Long An chưa bao giờ ngơi nghỉ. Đến vụ thì ra đồng, hết mùa thì trồng cây. Mà có rỗi tay họ cũng cố tìm việc để mà làm.
Lạp xưởng ra đời có lẽ từ lý do đó và nhiều nhất ở miệt Cần Đước, Cần Giuộc. Những chiếc lạp xưởng đỏ au, da căng bóng nhìn thôi đã rất hấp dẫn. Vị lạp xưởng tươi ở đây mang cái ngọt đặc trưng miền Tây cùng vị chua nhẹ. Sau khâu chọn lựa và tẩm ướp thịt kỹ càng người ta tiến hành dồn vào phần vỏ. Những đoạn ruột được làm sạch kỹ càng trắng trong như chiếc bong bóng dài. Ngày xưa thì dồn thủ công nên phải thật khéo léo thật đều thật đẹp. Giờ có máy nên công đoạn này tương đối nhẹ nhàng hơn xưa.
Lạp xưởng tươi Long An VietFlavour là sản phẩm lạp xưởng gia truyền 5 đời chính gốc tại Long An - VietFlavour
Lạp xưởng tươi được phơi trực tiếp dưới nắng đến khi ráo mặt là có thể dùng được. Những đốm mỡ lấm tấm khi đem chiên hoặc nướng đã tan chảy nên không gây ngán cho người thưởng thức.
Hầu như ghé Long An mùa nào cũng có thể bắt gặp những dây lạp xưởng đung đưa trong gió, nhưng nhiều hơn cả là dịp tết. Du khách chợt mê đắm nơi này vì sắc đỏ hay vì cái nồng hậu của người miền Tây trao trọn trong từng chiếc lạp xưởng tự lúc nào chẳng biết.
  1. Rượu đế Gò Đen

Thời Pháp thuộc do muốn độc quyền kinh doanh rượu nên Pháp cấm dân ta nấu rượu. Ấy vậy mà bà con Gò Đen lại cứ lén lút nấu rồi đem giấu ở những lùm cây đế xa nhà. Tên gọi rượu đế Gò Đen từ khi đó.
“Ăn nem Thủ Đức, uống rượu Bến Lức Gò Đen”
Câu nói quen thuộc của người miền Nam chỉ ngắn gọn vậy nhưng đủ để biết rượu đế Gò Đen ngon tới mức nào. Đế Gò Đen ngon lay động lòng người không chỉ vì hương vị mà còn từ cái tâm của người nấu rượu. Nếp để nấu là nếp hương, nếp men và nếp ngỗng phải lựa “rặt” không lẫn hạt gạo nào. Rồi ngâm đến ngày thứ bảy mới mang đi nấu cùng thứ men gia truyền của người Hoa.
Tổng hợp tất cả đặc sản Long An: Rượu đế Gò Đen Long An - VietFlavour.com
Rượu nấu xong cất vào hũ sành bịt kín rồi ngâm dưới ao hơn 100 ngày mới dùng được.

Dân sành rượu mách nếu lắc nhẹ mà rượu sủi bọt phân làm 3 tầng và lâu tan thì đó mới là rượu chính gốc. Ly rượu đế Gò Đen không chỉ xuất hiện trong những bữa quây quần lễ giỗ mà còn là thứ quà hiếu khách của người con Long An trao tặng lữ khách thập phương.
Xem tiếp: Tổng hợp tất cả 12 đặc sản Long An (P2)
Share on Google Plus

Giới thiệu

"Thế giới là một cuốn sách, và ai không đi chỉ đọc được một trang" - Vì vậy tôi thích du hí, khám phá thế giới và chia sẻ với mọi người!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét